VAI TRÒ CỦA BÌA SÁCH TRONG NGÀNH XUẤT BẢN HIỆN ĐẠI
02 tháng 03 năm 2023

Vì mọi chuyện không đơn giản chỉ là gỗ và nước sơn. Là yếu tố hữu hình cấu thành nên khi một cuốn sách được xuất bản, bìa sách là một lớp da, một lớp màng bọc tế bào, và là tấm khiên bảo vệ: áo sách bảo vệ bìa cứng khỏi trầy xước và tác hại của ánh sáng mặt trời, trong khi lớp bìa mềm không chỉ kết nối các trang với nhau mà còn giữ giấy sạch sẽ và không bị rách. Trong quá khứ, áo sách chỉ là những tờ giấy gói đơn giản có chức năng bảo vệ phần gáy sách đã được trang trí, những từ khoảng đầu thế kỷ XX, những tác phẩm minh họa đã được chuyển từ bìa cứng sang chính lớp áo sách. Hãy cùng S-River tìm hiểu kĩ hơn giá trị của bìa sách. 

Vai trò cơ bản của bìa sách

Dưới góc nhìn ẩn dụ, bìa sách là khung bao quanh văn bản và là cầu nối giữa văn bản và thế giới. Bìa sách đóng vai trò như lời mời đến những độc giả tiềm năng, một lối bước vào cái thế giới mà nhà văn đã tạo ra – cho dù là hư cấu, lịch sử, tự truyện hay thể loại khác. Hãy đến đây – bìa sách lên tiếng – hãy hòa mình vào bữa tiệc, hoặc ít nhất hãy lưu lại một cái hẹn.

Dưới tư cách một vật thể được thiết kế, bìa sách là cái nhìn đầu tiên về văn bản và là phương thức trực quan thể hiện những gì văn bản muốn nói: nó vừa là một sự diễn giải, vừa là một bản dịch từ ngôn ngữ viết sang ngôn ngữ hình ảnh. Mặc dù nhà thiết kế bìa có thể muốn truyền tải điều gì đó mới mẻ, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế trong quá trình thiết kế vì bìa sách còn phải là “quầy thông tin”: không chỉ cho biết tên tác giả, tên sách và nhà xuất bản, mà còn xác định thể loại cuốn sách.

Sách cũng cần phải tự bán, vì vậy trang bìa có thể được hiểu như là đoạn giới thiệu – tương tự teaser phim – cung cấp cho chúng ta vừa đủ thông tin, bao gồm nhận xét từ những độc giả khác, để lôi kéo chúng ta mua sách. Lời giới thiệu từ độc giả (“blurb”) là đặc trưng tiêu chuẩn của nhiều bìa sách, nhưng trong khoảng thời gian dài mà nó đã tồn tại, nó đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ, chế giễu, và thậm chí là khinh miệt.

Bìa sách đem lại thông tin hữu ích (Ảnh: Reedsy Blog)
Bìa sách đem lại thông tin hữu ích (Ảnh: Reedsy Blog)

Blurb, hay những lời giới thiệu sách bị ghét bỏ

Câu chuyện về lời giới thiệu sách (Blurb)

Vào năm 1936, George Orwell đã đổ lỗi sự thoái trào của tiểu thuyết là do “những dòng lằng nhằng kinh tởm được viết bởi đám phê bình chuyên đi viết giới thiệu”. Camille Paglia gọi những lời giới thiệu là “tuyệt đối tệ lậu” trong một bài phát biểu năm 1991. Truyền thống chống-lời-giới-thiệu (anti-blurb) bao gồm chính người phát minh ra cụm từ này, Gelett Burgess. Ông đã cho ra đời một thiết kế áo sách vào năm 1907 – trân trọng giới thiệu tác phẩm “Miss Melinda Blurb in the Act of Blurbing” (tạm dịch “Cô Melinda Mê Giới Thiệu đang Miệt Mài Giới Thiệu”) – để chế nhạo cái lệ thường đang càng trở nên phổ biến trong ngành xuất bản.

Burgess đã khai sinh ra thuật ngữ “blurb”, nhưng nhà thơ Walt Whitman mới là người sáng tạo nên bản thân hành động này. Ralph Waldo Emerson, sau khi đọc ấn bản đầu tiên của tập thơ Leaves of Grass (tạm dịch Lá cỏ, phát hành năm 1855), đã gửi cho Whitman một bức thư khen ngợi. Tại thời điểm đó, Emerson là một tri thức gia lỗi lạc, trong khi Whitman tương đối ít được biết đến ngoài phạm vi New York. Bức thư đáng lẽ chỉ là những lời động viên riêng tư. Nhưng Whitman đã đăng nó lên trên tờ New York Tribune.

Một năm sau, vào năm 1856, Whitman đã trích một dòng trong bức thư từ Emerson, rằng “Tôi gửi lời chào anh tại khởi đầu của một sự nghiệp vĩ đại” để in bằng lá vàng trên gáy của ấn bản Lá cỏ phát hành lần hai. Không có gì bất ngờ khi một nhà thơ, người từng bắt đầu tác phẩm nổi bật đầu tiên với câu “Tôi tự tán tụng mình”, có tài năng đặc biệt trong việc tự quảng cáo cho tên tuổi cá nhân.

Nhận định

Quả thật, Whitman hiểu rằng bìa sách không chỉ là quảng cáo cho bản thân cuốn sách mà còn là quảng cáo cho những thể loại độc giả mà chúng ta hằng mường tượng về bản thân mình, hoặc muốn trở thành. Có một mối liên hệ mật thiết giữa những gì chúng ta đọc và việc chúng ta là ai, giữa những giá sách và bản thân ta. Khi đọc xong một cuốn sách, bìa sách được xem là món quà kỷ niệm lưu lại trải nghiệm đọc xuyên suốt. Khi đọc xong một cuốn sách đặc biệt khó, bìa sách có chức năng như là huân chương trao thưởng lao động trí óc. Khi mang theo một cuốn sách ở nơi công cộng, bìa sách có thể tiết lộ những thông tin về bạn trước những người xa lạ, và họ sẽ đưa ra những phỏng đoán về bạn. Mặc dù cảm giác bị phơi bày có hơi mạo hiểm, nhưng đôi khi những phỏng đoán như thế lại được hoan nghênh, chẳng hạn như khi bìa sách – đột ngột bắt gặp trên toa tàu điện ngầm đông đúc – lại giống như cái bắt tay bí mật với một người khác đang đọc cùng thể loại. Chính vì vậy, trước khi một cuốn sách được xuất bản, bìa sách sẽ luôn được cân nhắc kĩ càng. 

Một giới thiệu sách hấp dẫn chắc chắn là một lợi thế (Ảnh: Kotobee)
Một giới thiệu sách hấp dẫn chắc chắn là một lợi thế (Ảnh: Kotobee)

Sau cùng, bìa sách là “phương tiện”, trung gian và nghệ thuật

Một tấm khiên bảo vệ, một cái khung, một cây cầu, một bản dịch, một sự diễn giải, một lời giới thiệu, một món quà lưu niệm, một chiếc huân chương, một cái bắt tay và hơn nữa – bìa sách là rất nhiều thứ. Và nó thực hiện nhiều chức năng. Chính vì lý do này mà chúng ta xem bìa sách như một phương tiện, mà thông qua nhiều nền tảng (ví dụ: áo sách, bìa mềm, hình ảnh kỹ thuật số) hoạt động cùng nhau để thể hiện văn bản một cách trực quan và giới thiệu cuốn sách với thế giới.

Thế kỷ XVI

Từ thế kỷ XVI, thuật ngữ “phương tiện” được sử dụng khi thảo luận về các nền tảng, phẩm chất, mức độ hoặc tình trạng trung gian: trạng thái ở giữa hai thứ. Đồng thời “phương tiện” cũng chỉ định bất kỳ sự can thiệp nào có thể truyền tải biểu hiện, cảm giác và tâm trạng. Song song với những định nghĩa này là hai khái niệm khác: khái niệm về hệ thống tiền tệ hoặc trao đổi trung gian, hoặc khái niệm về phương tiện trung gian với thế giới tâm linh. Khái niệm cuối cùng này không hề quá xa vời, vì công việc chính của bìa sách là cụ thể hóa cái trừu tượng, hình dung ra cái phù du và kết xuất cái siêu hình.

Thế kỷ XIX

Sau đó, “phương tiện” bắt đầu mang những định nghĩa hiện đại hơn, gần giống với những gì ta hiểu ngày nay. Một mặt, tồn tại khái niệm về phương tiện giao tiếp: một kênh biểu đạt hoặc một hệ thống cung cấp thông tin mà qua đó các tín hiệu được trao đổi qua lại. Khái niệm này giao thoa với hình dung của ta về “các phương tiện truyền thông đại chúng” như một hệ thống xuất bản báo chí và giải trí rộng lớn, bao gồm báo, tạp chí, truyền hình, radio và internet, cũng như nhiều người làm việc với tư cách là nhà sản xuất nội dung, biên tập viên, influencer và các học giả.

Vậy, việc xem bìa sách như một “phương tiện” có ý nghĩa gì? Đó là xem bìa sách như trung gian giữa văn bản và ngữ cảnh, một khu vực tương tác giữa tầm nhìn của nhà văn và phông nền văn hóa nơi cuốn sách được xuất bản.

Bìa sách như trung gian giữa văn bản và ngữ cảnh (Ảnh: Penguin Book)
Bìa sách như trung gian giữa văn bản và ngữ cảnh (Ảnh: Penguin Book)

Nhìn xa hơn, đó còn là việc xem bìa sách như một “người hòa giải” hoặc “trung gian” để chứng minh cho các khía cạnh xã hội của việc viết sách – vì dù một bản thảo là của tác giả riêng lẻ, một cuốn sách lại là nỗ lực tập thể. Bìa sách ra đời thông qua một quá trình có sự tham gia của nhiều bên liên quan, không chỉ tác giả và nhà thiết kế, mà còn cả biên tập viên, nhà xuất bản, giám đốc tiếp thị, nhà in,… và hơn thế nữa.

Những trang bìa cần sự kết hợp; quá trình thiết kế liên quan đến việc vòng lặp của phản hồi và sửa đổi. Kết quả cuối cùng là tạo ra một “phương tiện” giàu thông tin, và có lẽ cũng là một tác phẩm nghệ thuật.

Xin khẳng định lại, hầu hết các bìa sách không phải tác phẩm nghệ thuật, mà là các đóng gói thương mại. Tuy nhiên, gần như tất cả các bìa sách đều là tác phẩm đa phương tiện kết hợp các yếu tố lời nói và hình ảnh. Marshall McLuhan chia sẻ rằng, “nội dung của bất kỳ phương tiện nào luôn là một phương tiện khác” và tuyên bố này có vẻ đặc biệt phù hợp với bìa sách, nơi tái chế các bản vẽ, ảnh và văn bản từ các bài đánh giá sách và các nguồn khác.

Lấy trang bìa cuốn sách Homegoing (2016) của Yaa Gyasi làm ví dụ. Thiết kế ban đầu đã được sửa đổi để bổ sung những lời khen ngợi bất ngờ từ Ta-Nehisi Coates: “Homegoing là một nguồn cảm hứng.” Đây là ví dụ hoàn hảo cho câu nói của McLuhan, và nó cũng cho ta thấy cách mà bìa sách tồn tại như thế nào cả bên trong và bên cạnh môi trường kỹ thuật số ở thế kỉ XXI.

Thiết kế bìa sách Homegoing 2016 (Ảnh: Etsy)
Thiết kế bìa sách Homegoing 2016 (Ảnh: Etsy)

Một ví dụ khác là cuốn sách Citizen (2014) của Claudia Rankine, có trang bìa là bức ảnh chụp tác phẩm điêu khắc tường In the Hood (1993) của David Hammons – qua đó gợi lên lịch sử của tập tục hành hình tập thể trái phép (lynching). Tại đây, một tác phẩm nghệ thuật được hiển thị thông qua nhiếp ảnh như một phần của thiết kế tổng thể.

Bìa sách Citizen (2014) của Claudia Rankine.
Bìa sách Citizen (2014) của Claudia Rankine.

Là một tác phẩm nghệ thuật mang tính chính trị cao khi đề cập đến vấn nạn phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ, bản thân Citizen đã được “cải tạo” với mục đích bày tỏ chính kiến trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Lúc bấy giờ, tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Illinois, vì bất mãn trước lời nhận xét của ứng cử viên Donald Trump, một phụ nữ người da màu lặng lẽ mở cuốn sách Citizen và bắt đầu đọc, ôm cuốn sách ngang tầm mắt và phơi bày trực tiếp bìa sách trước máy quay truyền hình. Khi bị một người đàn ông da trắng lớn tuổi khiển trách, bà từ chối đặt cuốn sách xuống. Video quay lại cuộc nói chuyện giữa họ được lan truyền nhanh chóng, và sau đó được “cải tạo” thành một GIF động.

Trên đây là một số vai trò của bìa sách trong ngành xuất bản hiện đại. Vì vậy bìa sách rất quan trọng đối với mỗi tác phẩm, liên hệ ngay để được trải nghiệm dịch vụ tư vấn thiết kế tại S-River chúng tôi.

Nguồn: Bookish

Bài viết khác