“Thương hiệu quốc gia” là danh hiệu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn đạt được bởi đây không chỉ đơn thuần là một danh xưng mà nó còn phản ánh rõ giá trị của thương hiệu. Trong bài viết này hãy cùng S-River tìm hiểu thương hiệu quốc gia là gì? và những tiêu chí để đạt được thương hiệu quốc gia.
I. Thương hiệu quốc gia là gì?
Chương trình Thương Hiệu Quốc Gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại duy nhất của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và tăng trưởng trong nền kinh tế. Ngoài ra còn có ý nghĩa giúp quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng tốt giúp tạo dựng sự uy tín. Từ đó các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn ra nước ngoài.
II. Lợi ích của thương hiệu quốc gia.
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương Hiệu Quốc Gia ngoài có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước mà còn có điều kiện phát triển thương hiệu ra thế giới khi được nhà nước đứng ra bảo trợ. Dưới đây là các quyền lợi doanh nghiệp có được khi sản phẩm thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam:
- Doanh nghiệp được phép sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam và sử dụng biểu trưng của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh theo quy chế quản lý;
- Doanh nghiệp được tham gia vào xây dựng chiến lược, Chương trình hành động cụ thể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam;
- Khi tham gia vào các hoạt động thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí;
- Doanh nghiệp được ưu tiên tham gia các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và các Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam có liên quan;
- Doanh nghiệp được phép tiếp cận cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, sản phẩm và ngành hàng của Chương trình, trừ thông tin liên quan đến đối thủ cạnh tranh hoặc thông tin mật theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp được các cơ quan nhà nước hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp về các biện pháp quản lý ngoại thương của nước ngoài, tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa;
- Đặc biệt được hưởng chế độ ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế, hải quan và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.
III. Những Tiêu Chí Để Chọn Sản Phẩm Đạt Thương Hiệu Quốc Gia.
Để một sản phẩm đạt được thương hiệu quốc gia theo Thông tư 33/2019/TT-BCT quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam mà Bộ Công Thương đã ban hành bao gồm 3 tiêu chí sau:
1. Tiêu chí 1:
Chất lượng phải bảo đảm được 5 nội dung sau đây: Áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) ISO 9001; áp dụng, duy trì hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 14001, SA 8000, VietGap, Global Gap… hay tương đương); công bố về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; đầu tư duy trì chất lượng sản phẩm; các giải thưởng chất lượng. Tổng điểm tối đa của Tiêu chí 1 là 300 điểm trong đó mỗi nội dung có số điểm tối đa là 60.
2. Tiêu chí 2:
Đổi mới sáng tạo gồm có 8 nội dung như: Chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo; tổ chức công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); các giải thưởng sáng tạo… Tổng điểm tối đa của Tiêu chí số 2 là 180 điểm.
3. Tiêu chí 3:
Năng lực tiên phong gồm có 14 nội dung như: Tầm nhìn doanh nghiệp; giá trị cốt lõi của doanh nghiệp; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; tầm nhìn thương hiệu; định vị thương hiệu; bảo vệ thương hiệu… Tổng điểm tối đa của Tiêu chí 3 là 520 điểm
Một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ được xét chọn theo phương thức chấm điểm trong đó thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Ngoài ra, để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam sản phẩm phải có số điểm ít nhất là 650 mỗi tiêu chí quy định đạt từ 60% trở lên.
Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ
IV. Top 10 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện nay:
1. Công ty CP Rạng Đông Holding
Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông (RDP, Tiếng Anh: Rang Dong Plastic Join – Stock Co.) là một công ty Việt Nam hoạt động sản xuất về ngành nhựa. Công ty thành lập từ năm 1960 với tên UFEOC (Liên hiệp các xí nghiệp cao su Viễn Đông Pháp) một doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam.
2. Công ty CP Pin Ắc Quy Miền Nam
Công ty Cổ Phần Pin Ắc Quy Miền Nam (PINACO) được thành lập từ năm 1976, cổ phần hóa năm 2004 (Mã chứng khoán: PAC). Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, PINACO tự hào là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm Pin – Ắc quy, xứng đáng với danh hiệu “Thương Hiệu Quốc Gia”.
3. Công ty CP Dây Cáp điện Việt Nam
Công ty cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam có tên thương mại là CADIVI thuộc Công ty Cổ phần Điện lực GELEX (GELEX ELECTRIC), là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dây và cáp điện phục vụ rộng rãi cho các ngành kinh tế quốc dân, tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu.
4. Công ty CP Tập đoàn KIDO
Tập đoàn KIDO, tiền thân là tập đoàn Kinh Đô được thành lập vào năm 1993 và từ đó trở thành một trong những công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Trong suốt 20 năm đầu của chặng đường phát triển, KIDO đã thiết lập và giữ vững vị thế dẫn đầu ở một loạt các sản phẩm bánh kẹo, bánh bông lan, bánh mì, bánh trung thu, bánh quy…
5. Tổng Công ty CP May Việt Tiến
Tổng Công ty CP may Việt Tiến tiền thân là một xí nghiệp may tư nhân “Thái Bình Dương kỹ nghệ công ty” tên giao dịch là Pacific Enterprise. Tháng 5/1977 được Bộ Công Nghiệp công nhận là xí nghiệp quốc doanh và đổi tên thành Xí Nghiệp May Việt Tiến.
6. Tổng Công ty CP Dệt may Hoà Thọ
Được thành lập từ năm 1962, tiền thân có tên là Nhà máy Dệt Hòa Thọ thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam. Năm 1975, khi TP. Đà Nẵng được giải phóng Nhà máy Dệt Hòa Thọ được chính quyền tiếp quản và đi vào hoạt động trở lại vào tháng 4/1975. Qua các lần đổi tên: Công ty dệt Hòa Thọ (1993), Công ty Dệt may Hòa Thọ (1997), Công ty TNHH MTV dệt may Hòa Thọ (2005), Tổng công ty CP dệt may Hòa Thọ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2/2007.
7. Công ty CP Cao Su Đà Nẵng
Tiền thân là nhà máy đắp vỏ xe của quân đội Mỹ, đến nay Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng, tên gọi quốc tế là DRC, đã có quá trình phát triển liên tục hơn 47 năm. Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng mang đến sự thành công: Ban giám đốc có nhiều kinh nghiệm,năng động giúp Công ty phát triển liên tục nhiều năm . Đội ngũ kỹ sư và cán bộ quản lý có tay nghề cao, sảng tạo, được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài về phục vụ lâu dài. Tập thể CBCNV đoàn kết nhất trí, tự tin và có trách nhiệm với công việc.
8. Công Ty CP Gạch ngói Đồng Nai
Công ty Cổ phần Gạch ngói Đồng Nai (TUILDONAI) tiền thân là Nhà máy Gạch Ngói Đồng Nai, là công ty hàng đầu về sản xuất gạch ngói đất sét nung chất lượng cao, được khách hàng tín nhiệm và có một quá trình hình thành – phát triển lâu dài, ổn định từ những năm 40 của thế kỷ 20 đến nay.
9. Công Ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn
Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn tiền thân là nhà máy thuốc trừ sâu Sài Gòn trực thuộc Chi cục Bảo vệ Thực vật Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1989. Đến nay SPC đã có trên 500 cán bộ công nhân viên làm việc tại 18 Chi nhánh trực thuộc trong và ngoài nước; với hơn 250 sản phẩm bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật, bình xịt, nông cụ, giống cây trồng, hóa chất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp…
10. Công Ty CP Giấy An Hoà
Công ty cổ phần Giấy An Hòa được thành lập năm 2002, là Chủ đầu tư của nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa, bao gồm 2 dây chuyền: Sản xuất bột giấy sợi ngắn tẩy trắng và giấy tráng phấn. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 223 ha tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Trên đây là bài viết về thương hiệu quốc gia và các tiêu chí để đạt được thương hiệu quốc gia được S-River tổng hợp lại từ các nguồn của Báo Chính Phủ. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp được những thông tin hữu ích cho Quý bạn đọc.