Trong thiết kế cũng như xây dựng thương hiệu, màu sắc trong thiết kế chính là một yếu tố quan trọng quyết định sản phẩm và thương hiệu của bạn sẽ được khách hàng đón nhận như thế nào. Dù ở trong ngành nghề nào, một khi đã nắm bắt được kiến thức tâm lý học về màu sắc, thương hiệu của bạn sẽ có nhiều cơ hội thu hút và kết nối với khách hàng mục tiêu hơn so với đối thủ. Thấu hiểu được tầm quan trọng của màu sắc đối với thương hiệu, S-River xin gửi tới bạn đọc ý nghĩa tâm lý học của các màu sắc khác nhau.
1. Màu đỏ
Trong marketing nói riêng, màu đỏ thường được ưu tiên bởi khả năng thu hút sự chú ý của người nhìn ngay từ lần đầu quan sát. Màu đỏ còn được coi là một tổ hợp của sự phấn khích, đam mê, mạnh mẽ, năng lượng và hành động. Không khó để bắt gặp các thương hiệu sử dụng màu đỏ với mục đích kêu gọi hành động của khách hàng; điển hình là các dòng chữ “Đặt hàng ngay” thường được thể hiện trên nền đỏ và đặt ở vị trí trung tâm. Bởi vậy, màu đỏ không chỉ là màu sắc khơi dậy cảm xúc mãnh liệt của khách hàng nhanh nhất, nó còn có khả năng chuyển đổi hành vi của họ, khiến họ quyết đoán trong một nốt nhạc.
Những nhận định trên đã được minh chứng bởi rất nhiều nhãn hàng lớn nổi tiếng thế giới như Coca Cola hay Youtube. Điển hình, Coca Cola sử dụng một chiếc logo màu đỏ kèm với slogan “Sharing Happiness” giúp cộng đồng khách hàng có sự phấn khích và vui vẻ khi sử dụng sản phẩm. Song, năng lượng của màu đỏ cũng được sử dụng nhiều tại Việt Nam, đặc biệt là những dịp Tết đến xuân về. Điều này được thể hiện trong thiết kế hộp quà Tết 2023 “Đạt Chí Thành Danh” của Viettel High Tech với nhiều hứa hẹn về một năm mới vươn cao vươn xa, nhiều năng lượng và đam mê mới.
2. Màu cam
Trong tâm lý học màu sắc, màu cam đại diện cho những điều sáng tạo, sự phiêu lưu, đam mê nhiệt huyết, thành công cũng như sự cân bằng. Chính vì vậy, màu cam vô cùng trẻ trung và năng động, thời thượng và hiện đại. Hơn nữa, sự xuất hiện của màu cam thường đi đôi với một chút hài hước và vui vẻ vào thiết kế. Dù không có nhiều điểm mạnh trong việc thu hút bằng màu đỏ, sắc cam vẫn thường được marketers cân nhắc khi muốn tạo sự chú ý hay kêu gọi hành động của khách hàng.
Một ví dụ điển hình của màu cam trong thiết kế có thể kể đến bao bì sản phẩm xà bông Cỏ Mềm do team S-River có cơ hội thực hiện. Với mong muốn thể hiện tình yêu mãnh liệt dành cho cỏ cây Việt Nam, cùng với lòng nhiệt huyết của một thương hiệu định hướng đem giá trị truyền thống nước ta vươn cao vươn xa hơn nữa, sản phẩm của Cỏ Mềm Homelab được thiết kế với những sắc cam rực rỡ, dù truyền thống và mộc mạc nhưng vẫn sáng tạo và trẻ trung.
3. Màu vàng
Nhắc tới màu vàng, chắc hẳn đó sẽ là những liên tưởng của những tia nắng mặt trời rực rỡ. Bên trong đó, màu vàng ẩn chứa những ý nghĩa về niềm vui, sự tích cực, lạc quan và cả mùa hè nữa; mặt khác, màu vàng cũng phản ánh sự gian dối và cảnh báo nguy hiểm. Một số thương hiệu thường ứng dụng sắc vàng rực rỡ cho nền thiết kế hoặc đường viền khi thiết kế website. Ngoài ra, màu vàng cũng thích hợp để minh họa chú thích như “Miễn phí giao hàng” bởi năng lượng tích cực mà màu sắc này đem lại.
Bởi khả năng đem lại những điều lạc quan và tích cực, sắc vàng cũng được tin dùng bởi nhiều phân khúc thương hiệu; từ phân khúc cao cấp như Ferrari cho đến phân khúc bình dân như IKEA. Song, đây cũng là màu sắc trong thiết kế chủ đạo được Chứng khoán Tân Việt lựa chọn trong thiết kế bộ lịch Tết Tân Sửu 2021. Tất cả những gì màu vàng rực rỡ đem lại đã thể hiện trọn vẹn kỳ vọng về một năm 2021 đầy niềm hạnh phúc, hy vọng và thích nghi theo những điều mới mẻ của TVSI.
4. Màu xanh lá
Một ý nghĩa dễ nhìn nhận nhất về màu xanh lá đó chính là khả năng kết nối với thiên nhiên và tiền tài mạnh mẽ. Sự tăng trưởng, sự sinh sôi, sức khỏe dồi dào và dư dả, hào phóng chính là một số ý nghĩa tích cực mà xanh lá đem lại. Chính vì vậy, tất cả thị trường nói chung cũng như một số thị trường đặc thù nói riêng như nông nghiệp và sức khỏe thường tin chọn màu xanh lá như màu sắc trong thiết kế chủ đạo của họ. Trong xu thế phát triển bền vững, đây cũng là một màu sắc phổ biến bởi ý nghĩa trân trọng thiên nhiên; đặc biệt trong ngành thời trang – ngành hàng có nhiều ảnh hưởng tới môi trường, màu xanh lá đóng vai trò quan trọng trong xây dựng một thương hiệu thời trang thân thiện. Mặt khác, xanh lá cũng là màu sắc phản ánh sự ghen tỵ.
Trong thiết kế, màu xanh lá đã thể hiện hoàn hảo thông điệp mà thương hiệu Nàng Mật muốn truyền tải thông qua cảm hứng về những nét họa tiết thuộc trang phục của người Ê-đê và hoa cà phê. Điểm nổi bật của thiết kế này chính là sự hoà quyện đầy đủ giữa thiên nhiên trên hoạ tiết bông hoa và nét thổ cẩm đầy trau chuốt từ tà áo dân tộc Ê-đê. Ngoài hai màu nổi bật là đỏ và xanh đặc trưng như được dệt trên tà áo, màu sắc chính còn lại là màu xanh lá, gam đậm như làm nổi bật hơn cội nguồn dân tộc và tính tự nhiên từ chính sản phẩm.
5. Màu xanh dương
Nếu màu xanh lá là biểu tượng của thiên nhiên núi rừng, màu xanh dương lại có sự kết nối mãnh liệt với biển và bầu trời. Sự ổn định, hài hòa, hòa bình, bình yên và tin tưởng chính là những điều mà xanh dương muốn truyền tải tới khách hàng. Chính vì vậy, sắc xanh dương thường được yêu thích trong thiết kế logo và website, đặc biệt là ứng dụng trong mục cam kết bảo hành, chứng nhận tin tưởng hoặc icon miễn phí giao hàng, v.v. Ngược lại, lạm dụng màu xanh dương sẽ gây ra một số hạn chế như sự mệt mỏi và lạnh lẽo.
Chắc chắn rằng sẽ cần rất nhiều thời gian nếu muốn điểm tên hết những thương hiệu lớn tin dùng màu xanh dương. Những thương hiệu ấy xuất hiện ở rất nhiều ngành hàng. Ví dụ như ngành hàng công nghệ có Facebook, ngành tiêu dùng bán lẻ có Walmart hay đồ dùng cá nhân có Oral B. Nhìn chung, màu xanh dương được các nhãn hàng tận dụng để thể hiện sự tin tưởng, uy tín và thư giãn mà khách hàng cảm nhận được khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ. Đây cũng chính là những ý nghĩa được thể hiện trong thiết kế catalogue của doanh nghiệp công nghệ Alfa TKG. Song, sự thông minh cũng là một ý nghĩa khác được đề cập trong thiết kế này.
6. Màu nâu
Cũng là một đại diện của thiên nhiên, màu nâu là gam màu biểu trưng cho trái đất, gỗ và đá. Một cách vô cùng tự nhiên, màu nâu đem lại cảm giác thoải mái, an toàn, thực tế và gần gũi với những gì vốn có. Trong marketing, màu nâu thường được tìm thấy ở các sản phẩm từ thiên nhiên cũng như là thực phẩm. Ngoài ra, màu nâu rất hữu dụng trong thiết kế logo và bộ nhận diện thương hiệu, banner, hoặc kết hợp với màu trắng để tạo sự tương phản.
Để dễ hình dung hơn, màu nâu đã được S-River ứng dụng trong thiết kế bao bì Tĩnh Mạch Linh. Dòng sản phẩm Tĩnh Mạch Linh được biết đến là thương hiệu sản phẩm được bào chế hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên, bài thuốc cổ truyền trong thực tiễn và kết hợp với y học hiện đại để tạo ra viên nang chứa dược liệu. Vì lẽ đó, màu nâu chính là màu sắc đem lại nhiều sự kết nối với dòng sản phẩm này.
7. Màu tím
Màu tím chính là sắc màu hoàng tộc. Một số ý nghĩa về màu tím có thể đề cập như sự quyền lực, quý phái, sang trọng, trí tuệ và khả năng kết nối với tâm hồn. Ngược lại, màu tím bị cho là sẽ gây khó chịu và tạo cảm giác cao ngạo khi bị lạm dụng quá nhiều. Song, màu tím vẫn là một điểm nhấn hoàn hảo, tạo sự thu hút cho mọi thiết kế, đặc biệt là trong logo, bao bì, các thiết kế đồ họa, v.v.
Điển hình, sắc tím được thể hiện như một điểm nhấn nổi bật trong bộ quà tặng Tết Ta – nằm trong bộ sưu tập của dự án Mùa lễ hội được thực hiện bởi S-River, tiền thân là dự án Hoạ Sắc Việt. Với hình tượng đôi cá chép gần gũi kết hợp với hoạ tiết hoa, bộ quà này biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, niềm hạnh phúc, cùng mong muốn mang tới sự bình an, tài lộc và may mắn cho gia đình.
Qua bài viết này, S-River đã chia sẻ những ứng dụng màu sắc trong thiết kế dựa trên tâm lý học màu sắc. Mong rằng kiến thức trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về khía cạnh này và đồng thời giúp ích cho quá trình làm việc của bạn.
Nếu bạn gặp khó khăn trong thiết kế, S-River Creative Agency sẽ giúp bạn!
Nguồn: Oberlo.