Trong đạo Phật có quan niệm rằng, mọi thứ xuất hiện trên cuộc đời này đều là do duyên và S-River đã có duyên được gặp gỡ, đồng hành cùng với Gốm Bụt trong hạng mục thiết kế bao bì lần này. Sau đây, bằng lời kể và chia sẻ từ Founder của S-River Creative Agnecy – Chị Trịnh Thu Trang, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về quá trình thiết kế bao bì của Thương hiệu Gốm BỤT.
Lần gặp đầu tiên với anh Sơn và Trang kéo dài hơn 3 tiếng mình được nghe, cảm nhận về tinh thần của Gốm BỤT, cảm nhận về con người đã sáng tạo ra những sản phẩm gốm mang những nét sáng tạo rất riêng của Làng Nghề Bát Tràng. Gốm Bụt không chỉ là Gốm mà còn là sự an yên, gần gũi bên ấm trà, lọ hoa,… những phút giây dành cho chính mình dành cho những người thân yêu. Để làm được điều đó cần rất nhiều yếu tố. Đó là sự kế thừa nghề truyền thống của gia đình, những vất vả khổ học tiếp thu tinh hoa không chỉ của Việt Nam mà còn của bậc thầy về Gốm từ nước khác như Nhật Bản, đặc biệt nhất là sự bình yên, hướng thiện vốn có trong tính cách con người của anh Sơn và Trang.
Nguồn ảnh: Gốm BỤT
An nhiên như vậy nhưng ẩn sâu bên trong là khát khao mạnh mẽ, mãnh liệt về việc tạo ra một phong cách riêng cho Gốm Việt. Mình cũng đã có hành trình 10 năm đi tìm phong cách thiết kế riêng cho Việt Nam nên mình hiểu sự khó khăn trên hành trình này, mình tin với sự kiên trì dầy công, không ngại vất vả, thay đổi và tìm tòi sáng tạo này Gốm Bụt sẽ từng bước vững chắc đi đến đích.
Lần gặp thứ 2 tại xưởng gốm tại Bát Tràng kéo dài hơn 4 tiếng. Được đi được cảm nhận các loại đất tạo nên Gốm Bụt, hiểu quá trình từng bước làm Gốm. Khi nhìn thấy anh Sơn nhào đất đôi tay mềm như nước đang hoà quyện làm một với đất, khi anh tạo hình là một điều thực sự kì diệu bởi chỉ trong vài phút anh đã biến đất và nước trở thành các hình dáng lọ khác nhau rất đẹp, rồi lại biến thành các loại bát hình dáng đa dạng. Mình bị cuốn vào từng động tác của đôi bàn tay nhẹ nhàng lướt trên bàn xoay, đất và nước từng hình dáng hiện ra, biến đổi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Món quà từ Gốm Bụt kết tinh nhiều tâm huyết, sự tài hoa, mồ hôi công sức của nghệ nhân cũng như các thợ làm gốm để trao đi sự bình yên, niềm tự hào về tinh hoa làng nghề truyền thống của Việt Nam.
Nguồn ảnh: Gốm BỤT
Sau khi quan sát, hiểu quy trình sản xuất ở xưởng Gốm BỤT mình cùng anh Sơn và Trang ngồi lại uống trà, trò chuyện về hành trình của anh từ khi còn là học sinh đã bắt đầu những bước đầu tiên với nghề Gốm, làm gốm đúng kĩ thuật ngày xưa vất vả, kiên trì, lâu công lắm lắm. Những ấn tượng kí ức đẹp về làng nghề của những người con Bát Tràng, tại sao lại theo nghề gốm bền bỉ, không ngừng sáng tạo và cải tiến về mọi mặt như vậy,…
Nguồn ảnh: Gốm BỤT
Với mình buổi phỏng vấn khách hàng giống như một buổi trò chuyện thân tình nhiều hơn. Mình hỏi và anh Sơn và Trang kể những kí ức môc mạc, những mục tiêu mơ ước, những ấn tượng, sự tự hào về làng nghề,… mình cứ tập trung nghe thôi để từ đó tìm ra chất liệu cho ý tưởng thiết kế.
– Cuối cùng là câu hỏi làng nghề gốm thường gắn với dòng sông phải không? tại sao vậy nhỉ?
– Anh Sơn trả lời vì khi sản xuất ngoài đất để làm gốm ra thì cần có nước và sau khi làm xong thì dòng sông sẽ giúp đưa các thuyền gốm xuôi dòng để đến với người mua.
Hình ảnh những chiếc thuyền chở gốm xuôi dòng hiện ra, dòng sông giống như người mẹ mang lại nước tưới, phù sa, giúp đỡ và cùng con người tạo nên những làng nghề tinh hoa. Logo của Gốm Bụt là hình dấu vân tay đồng thời khi nhìn kĩ lại thấy giống những vân nước của dòng sông. Thường thì sau 1, 2 buổi nói chuyện, thăm xưởng là biết được hướng ý tưởng cần đi để chuyển về team.
Nguồn ảnh: Internet
Thiết kế hộp quà của Gốm Bụt được lấy ý tưởng từ chiếc thuyền chở gốm ngày xưa của Bát Tràng. Chiếc thuyền chở gốm 2 tầng làm chủ đạo nổi trên phần nền là mặt sông yên ả. Kết hợp cùng với logo thương hiệu như bến bờ, nơi các thuyền chở gốm xuất phát mang ý nghĩa hy vọng chiếc thuyền chở gốm Bụt thuận lợi đem các sản phẩm, những đứa con tinh thần của mình đến với khách hàng, với bạn bè quốc tế một cách bình an.
Phần đai bao bì nổi bật hình ảnh hoa đào, một hình ảnh gần gũi không chỉ gắn liền với mùa xuân mà còn là biểu tượng của sự an khang thịnh vượng ngày tết. Ngoài ra, sắc hồng của hoa đào được xem là màu sắc mang lại may mắn, sự ấm cúng, niềm vui, niềm tin, tình yêu và những hy vọng một năm mới hạnh phúc và bình an.
Mình rất biết ơn anh Sơn và Trang đã tin cậy để mình và team S-River có cơ hội được hiểu về Gốm BỤT và cùng hướng tới ước mơ chung 1 ngày không xa Việt Nam sẽ có một phong cách gốm sứ riêng thể hiện tính cách, tâm hồn của đất nước.
Cuối cùng và đặc biệt nhất. Cảm ơn các thành viên cần mẫn và sáng tạo của S-River.
– Thiết kế: Trần Thị Huệ
– Quản lý dự án: Vũ Khánh Huyền.
Trên đây là bài viết chia sẻ về quá trình thiết kế bao bì cho thương hiệu Gốm BỤT của Founder – Giám đốc sáng tạo Trịnh Thu Trang. Cảm ơn quý bạn đọc đã xem!